Các cô dâu đổi hoa cưới khi gặp nhau: Tục lệ đẹp cần gìn giữ

Các cô dâu đổi hoa cưới khi gặp nhau: Tục lệ đẹp cần gìn giữ

Những ngày cuối năm cũng là thời điểm các cặp đôi lựa chọn “về chung một nhà”, làm lễ cúng bái nên duyên vợ chồng. Cũng trong thời gian này, nhiều đoạn clip ghi lại khoảnh khắc các cô dâu trao đổi hoa cưới khi di chuyển trên đường khiến nhiều người tò mò, không hiểu rõ ý nghĩa của hành động này.


Đổi hoa cưới là một tục lệ đẹp của người Việt Nam. (Ảnh: Dân Việt)

VnExpress đăng tải, theo quan niệm dân gian tại một số tỉnh miền Bắc, khi hai đám cưới gặp nhau, việc trao hoa cưới sẽ giúp cho các cặp đôi xua đuổi vận xui và giúp tình duyên vợ chồng thêm bền chặt. Việc trao đổi hoa cưới có thể diễn ra giữa hai cô dâu hoặc chú rể nhưng nếu đôi bên đều cùng thực hiện thì sẽ tốt hơn. Đây vốn là tập tục đẹp trong văn hóa đời sống của người Việt Nam.

Ý nghĩa của hành động đổi hoa cưới giữa các cặp vợ chồng tuy không mới nhưng không phải ai cũng hiểu rõ. Dẫu vậy, khi trên mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh này, dân tình cũng khá hứng thú và hi vọng tục lệ đặc biệt trên có thể gìn giữ lâu dài.


Hành động này nhằm cầu mong hạnh phúc, giải trừ xui xẻo. (Ảnh: Dân Trí)

Ngoài việc trao đổi hoa cưới khi bất ngờ gặp cặp cô dâu – chú rể khác khi đi ngược chiều, trong tập tục cưới của người Việt Nam còn có rất nhiều tục lệ ý nghĩa khác. Điển hình như việc rải kim, tiền lẻ, gạo muối và cau trầu dọc đường. Theo đó, khi xe hoa của cô dâu – chú rể đi đến cây cầu, ngã 3, ngã tư, ngã 5, ngã 7 thì cô dâu phải vứt gạo muối, kim, tiền lẻ, cau trầu xuống đường. Ở thời điểm hiện tại, tục lệ này đã được tối giản lại bằng việc cô dâu chỉ cần rải tiền lẻ khi đi qua cầu. Hành động này nhằm cầu mong cho chuyện hôn nhân suôn sẻ, giàu sang, hạnh phúc và giải trừ xui xẻo.


Nhà gái thường chuẩn bị tiền lẻ để cô dâu đi đường. (Ảnh: Thanh Niên)

Dân gian cũng bày ra một vài mẹo nhỏ để cô dâu “chiếm thế” khi về nhà chồng. Cụ thể, trong văn hóa của một số địa phương, vào ngày lễ ăn hỏi thì cô dâu sẽ xếp trầu còn chú rể xé để thắp hương. Ai làm nhanh hơn sẽ được “nắm quyền” trong nhà. Người Việt Nam xưa cũng kiêng dùng dao cắt cau, thay vào đó cô dâu chú rể cần sử dụng tay để xé.


Chuẩn bị cau trầu là phần không thể thiếu trong nghi lễ cưới hỏi. (Ảnh: An Giang)

Người Việt Nam rất coi trọng lễ nghi, đặc biệt là trong cưới hỏi, xin dâu. Ở thời điểm hiện tại, sự kiện kết hôn của hai người chỉ tựu trung thành lễ dạm ngõ, ăn hỏi và đám cưới. Thế nhưng, theo tục lễ cũ thì mỗi đám cưới diễn ra đều có nhiều khâu chuẩn bị bao gồm lễ vấn danh, lễ nạp cát, lễ nạp trưng, lễ thỉnh kỳ, lễ thân nghi. Đám cưới không được tổ chức khi nhà có tang hoặc tháng 7 âm lịch và chú ý tuân thủ “quy tắc số 12” (cơi trầu 12 miếng trầu cánh phượng, 12 miếng cau),… để có được hạnh phúc suôn sẻ, thuận lợi.


Cỗ càng lớn càng thể hiện được gia cảnh của nhà trai. (Ảnh: Dân Việt)

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, những tục lệ cưới xin không còn khắt khe như trước. Thế nhưng, đây vẫn là nét đẹp văn hóa đẹp, nên lưu giữ.

Trong câu chuyện này, bạn có suy nghĩ như thế nào? Hãy cùng chia sẻ nhé!

PHÚC HƯNG |yan.thethaovanhoa.vn

Link Báo Gốc:https://yan.thethaovanhoa.vn/cac-co-dau-doi-hoa-cuoi-khi-gap-nhau-tuc-le-dep-can-gin-giu-289145.html

BÀI MỚI NHẤT ĐỜI SỐNG GIẢI TRÍ TIN TỨC