Chặt bớt mít Thái làm ao dài tít tắp nuôi con rúc bùn, anh nông dân tỉnh Long An nuôi không kịp bán

Chặt bớt mít Thái làm ao dài tít tắp nuôi con rúc bùn, anh nông dân tỉnh Long An nuôi không kịp bán

Thấy giá mít Thái ngày càng tuột dốc, anh Lê Văn Tuấn (xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) chặt bớt cây mít để đào ao nuôi lươn đẻ, ương lươn giống. Thật bất ngờ, lươn giống anh Tuấn nuôi ra không đủ bán cho khách.

 

Hiện, anh Tuấn có 5 ao nuôi lươn sinh sản dài 600m, 2 trại nuôi lươn thịt và hơn chục hồ nuôi lươn giống.


Anh Lê Văn Tuấn (xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) chặt bớt vườn mít Thái để đào ao nuôi lươn đẻ, ương lươn giống. Ảnh: Trần Đáng.

Khoảng 1 năm trước, thấy tình hình giá mít Thái xập xình, trồi sụt, anh Tuấn cho hạ hàng loạt gốc mít đang cho trái khiến nhiều người bất ngờ…

Đào ao ương lươn giống dưới gốc mít Thái
Sau khi hạ vườn mít Thái, anh Tuấn thuê máy Kobe vào đào ao nuôi lươn đẻ, ương lươn giống.

Khác với nhiều người làm ao nuôi lươn sinh sản rộng vài m2, anh Tuấn cho đào 5 cái ao dài tít tắp, mỗi cái dài hơn 100m, sâu khoảng 3,5cm.

Ao đào tới đâu anh cho lót bạt tới đó. Sau đó, anh cho làm ổ lươn bằng đất rồi đặt xuống ao.


Cứ mỗi tuần/lần, ahh Tuấn đi thu trứng lươn về ương lươn giống. Ảnh: Trần Đáng.

Cuối cùng, anh Tuấn thả lươn bố mẹ vào ao cho sinh sản để lấy trứng.

Cứ mỗi tuần một lần, anh Tuấn ra vườn thu hoạch trứng lươn để đem về ương giống.

“Ao lươn sinh sản nằm dưới tán cây mít Thái nên môi trường khá mát mẽ, tự nhiên. Chính vì vậy, lươn mẹ đẻ trứng rất nhiều”, anh Tuấn chia sẻ.

Bí quyết ương lươn giống không kịp bán
Một nông dân nuôi lươn thịt ở tỉnh Tiền Giang cho biết, ông thích mua lươn giống của anh Tuấn ,vì lươn một tuần tuổi đã biết ăn thức ăn công nghiệp.

Anh Tuấn cho biết, để làm được việc này khi lươn giống 7 ngày tuổi, anh đã tập cho ăn thức ăn công nghiệp chứ không còn cho ăn trứng nước, trùn chỉ, trùn quế…

Theo anh Tuấn, ngoài chất lượng giống tốt, anh luôn muốn tạo thuận lợi cho người mua lươn giống về nuôi.


Anh Tuấn trong khu ương lươn giống. Ảnh: Trần Đáng.

“Chân ướt, chân ráo vào nghề nuôi lươn mà đi tìm trùn chỉ, trứng nước cho lươn giống ăn là khá phức tạp cho nông dân”, anh Tuấn bộc bạch.

Anh Tuấn nhận định, thị trường lươn giống đang rộng mở. Ảnh: Trần Đáng.

Cũng theo anh Tuấn, chính vì điều này mà lươn giống làm ra không kịp bán.

Thị trường lươn giống của anh không chỉ ở miền Tây, mà cả miền Đông, miền Trung.

“Mỗi năm, trại làm ra khoảng 200.000 con lươn giống, nhưng không đủ cung cấp cho nông dân”, anh Tuấn cho biết.

Sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá lươn giống đã quay đầu.


Vài ngày tuổi, lươn giống đã được tập cho ăn thức ăn công nghiệp. Ảnh: Trần Đáng.

Hiện, tại trại lươn giống của anh Tuấn, giá lương giống là 6.000 đồng/con (size 500 con/kg).

“Thị trường lươn giống rất tốt. Tôi tính, mỗi năm tôi ra 1 triệu con lươn giống cũng không đủ cung cấp”, anh Tuấn thổ lộ.

Trần Đáng / danviet.vn

Nguồn:https://danviet.vn/chat-bot-mit-thai-lam-ao-dai-tit-tap-nuoi-con-ruc-bun-anh-nong-dan-tinh-long-an-nuoi-khong-kip-ban-20211205145433491.htm

TIN TỨC