Long An: Mùa cá lia thia

Long An: Mùa cá lia thia

Từ một loài thủy sản tưởng như bỏ đi, cá lia thia hiện nay đang là một trong những đặc sản được săn bắt nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài đặc sản là mắm cá lia thia rất được ưa chuộng thì thú vui cho những chú cá nhỏ xíu này chọi nhau cũng được nhiều người thích thú. Ngày cuối năm, theo chân những nông dân vào các bưng đồng đi dặm (bắt) cá lia thia ở vùng biên giới Đức Huệ, Mộc Hóa (tỉnh Long An) mới thấy được sự kỳ công của việc săn bắt này.

Bắt cá lia thia ở vùng biên giới Đồng Tháp Mười.

Bắt cá lia thia ở vùng biên giới Đồng Tháp Mười.

Mưu sinh trong vùng “mỏ vẹt”

Những ngày cuối năm, tuyến đường 839 dọc biên giới Việt Nam – Campuchia khá vắng vẻ, lâu lâu mới thấy có chiếc ghe gắn máy chạy ngược chiều. Bên phải tỉnh lộ là con kênh Maren phân chia lãnh thổ. Phía bên kia, nhiều cánh đồng của nước bạn Campuchia cũng bỏ hoang khi mùa khô bắt đầu. Bên này, cũng như nhiều nơi vùng biên khác, hầu hết đều được trồng cừ tràm, trồng lúa hoặc để hoang hóa vì khu vực này phèn mặn nhiều mùa khô còn mùa mưa rất dễ ngập sâu. Về mặt địa chất, đây là vùng đệm của khu Đồng Tháp Mười còn về mặt địa lý, nơi này nổi tiếng với tên gọi là khu “mỏ vẹt” vì nhìn trên bản đồ, đường biên giới lãnh thổ hai quốc gia vô tình tạo thành hình mỏ của chú chim vẹt.

Người đi cùng chúng tôi, anh Nguyễn Văn Tiến, 38 tuổi ở xã Bình Thành (Đức Huệ, Long An) cho biết anh làm nghề dặm cá lia thia ở đây đã nhiều năm. “Cá lia thia có thể xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất là dịp cuối năm, sau khi mùa nước nổi đi qua. Khác với những loài cá di cư mùa nước nổi khác, cá lia thia tiếp tục sinh sống ở những vùng bưng đồng hoang, nhiều cỏ năng, cỏ lác, cỏ bàng ở vùng này. Thậm chí chúng rất thích sống ở các vùng nước lưu, nghĩa là quanh năm không cạn. Trước kia, những người làm nghề săn bắt thủy sản ở đây thường không đánh bắt cá lia thia riêng biệt. Chúng chỉ là loài thủy sản “lẫn” vào các loài khác khi lọt vào lọp, lưới của người dân.

Hồi đó, cá lia thia cũng không có nhiều giá trị và chỉ để làm mắm. Do cá nhỏ, thịt mềm nên mắm cá lia thia rất ngon. Nhưng chừng vài năm gần đây, cũng như nhiều loài cá khác, lia thia bắt đầu hiếm hơn vì nước về không đều. Đây cũng là lúc nhiều người ở khu vực này chuyển qua bắt cá lia thia vì ngoài làm mắm, chúng còn được giới trẻ mua để chơi chọi cá” – anh Tiến kể.

Theo anh Tiến, việc bắt cá lia thia cũng đặc biệt hơn so với nhiều loài thủy sản khác bởi chúng rất nhỏ, chỉ như đầu đũa lại sống ẩn khuất trong vùng nước cạn, trong đám cỏ. “Cá lia thia ít di chuyển nên không thể sử dụng lưới hay lọp như nhiều loại thủy sản khác được. Người bắt lia thia thường chỉ dùng một chiếc rổ lớn đan bằng tre. Chiếc rổ này được thiết kế sâu hơn bình thường mà khi đi dặm cá, chỉ cần đặt rổ ở một khu vực rồi dùng gậy lùa cá ở các đám cỏ cho chúng di chuyển vào rổ rồi nhấc lên. Nhưng nói thì vậy chứ cái khó nhất là xác định đám cỏ có nhiều cá và người đi dặm phải ngâm mình trong nước, khéo léo kết hợp nhiều động tác một cách thành thục mới có thể bắt được lia thia” – anh Tiến chia sẻ thêm.

Chúng tôi bắt đầu dừng lại ở khu vực kênh Meren cắt với kênh Trung ương, là địa điểm quen thuộc mà anh Tiến thường dặm cá lia thia. Xin nói thêm, ở vùng Đồng Tháp Mười có khá nhiều con kênh đào lớn, nhỏ được gọi tên là kênh Trung ương. Theo người dân địa phương, những tuyến kênh này được Nhà nước đầu tư xây dựng khoảng vài chục năm trước nhưng không đặt tên chính thức, người dân sau đó thường gọi là kênh Trung ương vì những người làm kênh đều ở ngoài Hà Nội vào!

Ban đầu, nhìn con kênh chúng tôi cứ nghĩ là không có loài cá nào vì nước rất cạn, cỏ mọc um tùm. Thậm chí mặt nước không có nổi chút gợn nào, ngay cả khi anh Tiến bắt đầu lội xuống. Lúc này, chỉ tay về phía đám cỏ trước mặt anh bảo: “Khi thấy mặt nước có những đám bọt tròn nằm im ắng là khu vực đó nhiều cá lia thia vì khi sinh sống, chúng phụ thuộc vào lượng khí oxy ở khu vực đó. Hơn nữa, đám bọt này cũng chứng tỏ lớp bùn đáy có nhiều sinh vật phù du, là mồi ăn ưa thích của cá lia thia.

Vừa nói, anh vừa sục cái rổ xuống sâu trong đám cỏ, dùng chiếc gậy tre gạt nhè nhẹ đám cỏ như xua đàn cá. Khi nhấc lên, phải nhìn rất kỹ chúng tôi mới thấy dăm con cá nhỏ như đầu đũa lẫn trong nhiều rác, cỏ, rêu… Đó chính là những chú cá lia thia mang đến sinh kế cho anh trong nhiều năm.

Thú chơi cá lia thia.

Thú chơi cá lia thia.

Thú vui chọi lia thia

Lúc này, anh Tiến mới phân loại các chú cá lia thia. Thoạt nhìn, chúng tôi ngỡ con nào cũng giống nhau nhưng kỳ thực không phải vậy. Hầu hết cá lia thia được anh đem về nhà làm mắm nhưng có một số con anh lựa riêng. Đó là những chú cá lia thia đực (thường gọi là cá trống) có màu sắc, đuôi đẹp để bán cho vựa cá kiểng. Tất nhiên, giá của những chú cá này cao hơn rất nhiều nhưng để bảo quản và đưa tới vựa lại mất thêm một công đoạn nữa, đôi khi cũng rất cực nhọc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cá lia thia là một loài cá nhỏ nhưng rất quen thuộc với người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long vì đặc tính của loài cá này là sự… hung hãn! Chỉ cần bỏ hai con cá lia thia trống vào trong chiếc bình nhỏ, chúng sẽ lao vào nhau để cắn liền. Đó cũng là một thú vui nho nhỏ của nhiều thế hệ trẻ em miền sông nước, là chọi cá lia thia. Nói về việc chọi cá lia thia, anh Nguyễn Văn Hơn, 43 tuổi ngụ ở xã Thuận Nghĩa Hòa (Thạnh Hóa, Long An) cho biết mấy năm gần đây, anh thường đi săn lia thia bán cho các tiệm cá để phục vụ thú vui chơi cá kiểng, chọi cá nhiều bạn nhỏ. “Nếu như những loài cá kiểng khác thường rất mắc, lên đến cả trăm ngàn đồng thì cá lia thia hiện nay chỉ bán trung bình khoảng 10 đến 30 ngàn đồng một cặp. Nếu như cá mái không được ưa chuộng vì chúng không thể chọi nhau thì cá trống rất được lùng mua.

Giá trị của một đôi cá lia thia thực tế nằm ở con trống. Với đặc điểm đuôi màu đỏ, cá trống to khỏe, có phần đuôi vây dài khi bởi nhìn đẹp rất được ưa chuộng và giá cao hay thấp tùy thuộc vào phần đuôi này. Khi thả 2 con trống vào nhau, chúng bắt đầu chọi và khi một con bị cắn thua bỏ chạy, hoặc bị đuối, thậm chí chết là coi như thua”, anh Hớn kể.

Theo anh Hớn, cá lia thia tuy nhỏ nhưng chúng rất khỏe, sau khi săn bắt được thì anh cho chúng vào những chiếc lọ nhựa nhỏ từng con, hoặc đôi trống mái riêng. Nếu chẳng may để hai con trống một lọ, tới chiều về chắc chắn chỉ có một hoặc không con nào còn sống nổi. Cũng như anh Tiến, nơi săn lia thia ưa thích của anh Hớn cũng là những cánh đồng cỏ hoang vu vùng biên giới. Bởi những vùng nước sâu, nước biến động theo mùa sẽ không bao giờ có cá lia thia.

Phân loại cá.

Phân loại cá.

Ngồi cùng những người săn cá lia thia khoảng hai giờ đồng hồ, chúng tôi thấy những chiếc giỏ đã đầy non nửa. Ngoài ra, còn có khoảng hai chục chú cá trống lớn, có khả năng chọi được đặt riêng. Với những người săn lia thia, đây thực sự là một ngày làm việc may mắn. Nhưng các anh cũng tâm sự, không phải hôm nào cũng được may mắn như vậy bởi những tuyến kênh đã dặm lia thia, phải vài tuần sau quay lại mới có cá. Trong thời gian ấy, các anh lại đi sâu hơn, thậm chí xuyên cả những cánh ruộng cừ tràm bạt ngàn để đi tìm sinh kế cho gia đình.

ĐOÀN XÁ/daidoanket.vn

Nguồn: http://daidoanket.vn/mua-ca-thia-lia-549378.html

BÀI MỚI NHẤT TIN TỨC