Long An: Nuôi tôm, trồng lúa đặc sản, nông dân nơi này thu nhập 72 triệu đồng/người/năm

Long An: Nuôi tôm, trồng lúa đặc sản, nông dân nơi này thu nhập 72 triệu đồng/người/năm

Cần Đước (Long An) – vùng đất nằm cuối sông Vàm Cỏ giàu tính văn hóa, truyền thống cách mạng sắp trở thành vùng quê đáng sống, với hệ thống hạ tầng giao thông xuyên suốt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.


Từ tái cơ cấu nông nghiệp đến một vùng quê đáng sống

Nhà báo Nguyễn Phấn Đấu, một người con đất Cần Đước thổ lộ, anh rất vui sau 10 năm huyện Cần Đước (Long An) xây dựng nông thôn mới (NTM), tính văn hóa lâu đời của vùng đất này càng được bồi đắp thêm.

Cần Đước đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Theo nhà báo Phấn Đấu, tháng 8/2015, huyện Cần Đước đón nhận danh hiệu huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh Long An.

Xác định việc nâng cao các tiêu chí huyện văn hóa, gắn với xây dựng NTM, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, Huyện ủy Cần Đước đã đưa công tác nâng cao chất lượng văn hóa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Điểm nhấn là Cần Đước xây dựng Công viên văn hóa huyện. Công trình có các hạng mục, như: Quảng trường, tượng đài, nhà truyền thống, khu vui chơi, Nhà thi đấu đa năng, câu lạc bộ thể thao ngoài trời… với kinh phí hơn 8,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao, gồm: Trung tâm văn hóa – thể thao và học tập cộng đồng xã, nhà văn hóa, khu thể thao ấp được các cấp, các ngành và người dân quan tâm đầu tư. Hệ thống sân bãi, cơ sở, tụ điểm sinh hoạt thể dục – thể thao phát triển rộng khắp…


Lúa Nàng thơm Chợ Đào một đặc sản đặc trưng của huyện Cần Đước. Ảnh: Trần Đáng.

Không chỉ nâng cao đời sống văn hóa, huyện Cần Đước còn tập trung cải hiện, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Hồng Chương, Trưởng phòng NNPTNT huyện Cần Đước, huyện Cần Đước đang phát triển mạnh về công nghiệp. Những năm qua, một lượng lớn lao động nông thôn của huyện đã chuyển sang làm công nhân và có thu nhập ổn định.

Đối lao động nông nghiệp trên địa bàn, trước đây do làm nông theo tập quán cũ nên năng suất lao động của bà con nông dân rất thấp. Tuy nhiên, những năm qua, bà con nông dân đã biết chọn giống cây trồng, vật nuôi giá trị cao. Cộng với công nghệ, kỹ thuật mới nên thu nhập của bà con nông dân đã được nâng cao khá nhiều.

Theo ông Chương, huyện Cần Đước đang tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện, cây con chủ lực của huyện Cần Đước là con tôm và cây rau.

Cần Đước có 2 cụm xã, gồm: 8 xã ở vùng thượng và 8 xã, 1 thị trấn ở vùng hạ. Nếu ở cụm xã vùng thượng nông dân tập trung trồng rau công nghệ cao, nông dân vùng hạ lại tập trung nuôi tôm nước lợ công nghệ cao.

Nhiều người đầu tư vài ba tỷ đến hơn chục tỷ/ha để nuôi tôm công nghệ cao đã cho năng suất và giá trị cao. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện Cần Đước hơn 72 triệu đồng/năm.

Cần Đước chạy nước rút về đích nông thôn mới

Một điểm nổi bật trong chương trình nông thôn mới ở huyện Cần Đước là hạ tầng giao thông. Có thể những năm gần đây ở Cần Đước giao thông phát triển rất nhanh. Trước đây, giao thông Cần Đước chỉ tập trung đầu tư cho các trục đường chính. Còn giao thông nội bộ, giao thông nông thôn thì “nắng bụi, mưa lầy”.

Nhưng từ khi làm NTM, huyện đã huy động tổng lực sức dân, lồng ghép tất cả các nguồn vốn để đầu tư.

Nếu lúc mới triển khai chương trình NTM, huyện chỉ làm đường giao thông bằng chỉ tiêu của tiêu chí đưa ra, thì mấy năm gần đây Cần Đước đầu tư cho giao thông luôn cao hơn chỉ tiêu tiêu chí.

“Nếu tỉnh quy định chuẩn đường giao thông lên ấp là mặt đường rộng 3,5m thì huyện làm 5m cho xe tải vào. 3 năm nay, không có chuyện thiết kế mặt đường 3m. Làm gì làm mặt đường phải 5m”, ông Chương chia sẻ.

Chính vì định hướng như vậy, cộng với định mức đầu tư giao thông lớn nên kết cấu hạ tầng giao thông ở Cần Đước ngày càng hoàn chỉnh, thông suốt. Hầu hết, các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã được nhựa hoặc bê tông hóa. “Các xã muốn được công nhận đạt chuẩn NTM phải đạt tiêu chí giao thông”, ông Chương khẳng định.

Ông Cao Hoài Cuộc (xã Tân Lân) chia sẻ, trước đây, việc đi lại của người dân trong xã gặp nhiều khó khăn do đường nhỏ, lầy lội. Nhờ chương trình xây dựng NTM mà hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng.

“Hiện, đường giao thông trong xã đã được bê tông, nhựa hóa, có hệ thống chiếu sáng, người dân rất mừng và phấn khởi”, ông Cuộc bộc bạch.

Theo ông Nguyễn Hồng Chương, huyện Cần Đước đang khẩn trương tiến hành quy hoạch xây dựng vùng theo quy định. Thời gian hoàn thành vào tháng 10/2021. Với tiêu chí giáo dục, huyện phấn đấu hoàn thành tỷ lệ 60% trường THPT đạt chuẩn quốc gia vào tháng 11/2021.

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết thêm, về tiêu chí tỷ lệ 60% trường THPT đạt chuẩn quốc gia, theo quy định huyện phải có 3 trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

Hiện, huyện đã có 2 trường đạt chuẩn. Còn vướng một trường cấp 2, 3 ở xã Long Cang. Huyện đang xin chủ trương tách trường này ra nhằm đảm bảo đạt chuẩn quốc gia.

“Với tiêu chí quy hoạch vùng, huyện đã trình quy hoạch với tỉnh rồi. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành huyện NTM”, ông Hùng cho biết.

Trần Đáng /danviet.vn
Link Báo Gốc:https://danviet.vn/long-an-nuoi-tom-trong-lua-dac-san-nong-dan-noi-nay-thu-nhap-72-trieu-dong-nguoi-nam-20211026150058108.htm

ĐỜI SỐNG KINH TẾ TIN TỨC