Lúa Hè Thu chưa thu hoạch xong, nông dân lại lo vụ Thu Đông

Lúa Hè Thu chưa thu hoạch xong, nông dân lại lo vụ Thu Đông

Trong khi vụ lúa Hè Thu tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn 3 triệu tấn chưa thu hoạch xong, người nông dân tiếp tục đối mặt với áp lực sản xuất, tiêu thụ lúa Thu Đông khi hàng nghìn ha đã được gieo sạ, dự kiến sẽ thu hoạch sớm trong tháng 9, tháng 10.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi các bộ, ngành vào các địa phương vào cuộc, tình hình thu mua lúa Hè Thu trở nên tích cực hơn. Các doanh nghiệp, thương lái thuận tiện hơn trong việc di chuyển, góp phần đẩy nhanh tiến độ thu mua lúa.

Theo ông Tùng, tính đến cuối tháng 8, diện tích lúa Hè Thu đã thu hoạch tại các tỉnh ĐBSCL đạt khoảng hơn 1 triệu ha, với sản lượng khoảng 5,7 triệu tấn. Dự kiến trong từ nay đến giữa tháng 9, các tỉnh sẽ tập trung thu hoạch 500 nghìn ha còn lại (Kiên Giang, Sóc Trăng…) với sản lượng gần 3 triệu tấn.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện các tỉnh ĐBSCL còn khoảng 3 triệu tấn lúa chưa thu hoạch

Ông Tùng cho biết, giờ lo nhất là vụ lúa Thu Đông. Việc gieo sạ diễn ra trong bối cảnh các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, đặc biệt là giá phân bón tăng chóng mặt từ 50-73% so với đầu năm khiến nông dân bước vào mùa vụ rất chật vật.

“Như vụ lúa Hè Thu năm nay, giá thành sản xuất mỗi kg lúa là 3.728 đồng, cao hơn 143 đồng/kg so với vụ Hè Thu năm ngoái. Tính tổng cả vụ, nông dân ĐBSCL phải chi hơn 1.215 tỷ đồng. Trong vụ Thu Đông, chi phí còn cao hơn cả vụ Hè Thu. Trong 15 ngày tới, các tỉnh ĐBSCL dự kiến sẽ gieo sạ xong 700 nghìn ha lúa, một số tỉnh gieo sạ sớm, trong tháng 9, tháng 10 đã bắt đầu thu hoạch”, ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết, tỉnh vẫn còn hàng nghìn ha lúa Hè Thu vẫn đang thu hoạch. Vụ Thu Đông, An Giang có khoảng 160.957 ha lúa Thu Đông, với sản lượng khoảng 1 triệu tấn.

Trong khi lúa Hè Thu, nông dân chưa bán xong, thì chuẩn bị đối mặt với áp lực sản xuất, tiêu thụ lúa Thu Đông trong tháng tới. Nếu tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn ra căng thẳng, đầu ra không gỡ khó sớm, nông dân sẽ dễ thua lỗ.

Nông dân ĐBSCL bước vào vụ Thu Đông trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng vọt, còn đầu ra bấp bênh

Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng cung ứng gạo của các tỉnh phía Nam từ nay đến cuối năm là 7,1 tấn gạo. Trong đó nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 4 triệu tấn, còn khoảng 3 triệu tấn gạo đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, các hoạt động xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng tồn kho lớn nên trường hợp không xuất được hàng, năng lực thu mua lúa Thu Đông sẽ thấp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, do tác động của dịch bệnh trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ xuất bán được gần 3,6 triệu tấn gạo (giảm 10,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2020). Trong tháng 8, sản lượng thu mua sụt giảm 20 – 30% so với cùng kỳ; công suất chế biến tại nhiều nhà máy đạt thấp vì không đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”; lượng gạo tồn kho của doanh nghiệp cao do chưa xuất khẩu được vì vướng khâu lưu thông tại các cảng.

Theo Thứ trưởng Nam, để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh thu mua lúa gạo, bộ vừa đề nghị các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL thành lập các tổ, đội bốc xếp, đội ghe, đội xe, đội máy cắt tại địa phương. Bên cạnh đó, đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp lúa gạo vay thêm vốn tín dụng để có dòng tiền thu mua lúa trong thời gian tới.

Dương Hưng/ https://tienphong.vn/

Link báo gốc: https://tienphong.vn/lua-he-thu-chua-thu-hoach-xong-nong-dan-lai-lo-vu-thu-dong-post1371489.tpo

TIN TỨC