Mò dưới đáy sông Tiền ra “kho báu”, một người miền Tây tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vô giá

Mò dưới đáy sông Tiền ra “kho báu”, một người miền Tây tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vô giá

Những “báu vật” gỗ lũa nằm sâu dưới đáy sông Tiền hàng trăm năm được một đại gia miền Tây thuê người và huy động máy móc trục vớt, rồi “biến” chúng thành những tác phẩm nghệ thuật vô giá.

Sau 15 năm sưu tầm, số gỗ lũa đã lên đến hơn 3.000m3 được chế tạo thành nhiều tác phẩm nghệ thuật vô giá như: hai bộ 12 con giáp, hòn non bộ, bức tranh dài 24,5m, căn nhà toàn gỗ lũa… Hiện bộ sưu tập gỗ lũa này đang được trưng bày tại một khu du lịch ở thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.


Bộ bàn ghế và bức tranh 12 con giáp từ gỗ lũa. Ảnh: Tính Lập


Bức tranh 12 con giáp. Ảnh: Tính Lập

Trong căn nhà gỗ lũa, anh Phan Văn Khánh (32 tuổi, ngụ thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết, toàn bộ số gỗ lũa này là của ông Nguyễn Văn Nghỉ (cậu của anh Khánh) làm nghề san lấp, bơm cát.

Theo lời anh Khánh, dọc theo sông Tiền đoạn qua huyện Chợ Mới có làng chài, vào năm 2002 đến 2005, khi người dân đi chài lưới thường bị vướng phải gốc cây dưới đáy sông không thể kéo lên được. Lúc này, người dân liên hệ nhờ ông Nghỉ trục vớt giúp.


Hòn non bộ từ gỗ lũa. Ảnh: Tính Lập


Bộ tượng phật khủng từ gỗ lũa. Ảnh: Tính Lập

Những gốc cây này nằm sâu hàng chục mét dưới đáy sông, phải dùng sà lan và máy móc soi bùn cát mới trục vớt lên.

Sau nhiều năm, số “báu vật” được trục vớt dưới đáy sông Tiền ngày càng nhiều, số gỗ lũa được chất thành đống, không thể hiện được vẻ đẹp được của gỗ lũa. Từ đây cậu của anh Khánh quyết định “biến” số gỗ lũa này thành các tác phẩm nghệ thuật.

Để “biến” những gốc cây trục vớt từ đáy sông Tiền thành những tác phẩm nghệ thuật, cậu của anh Khánh đã thuê một nhóm thợ khoảng 30 người từ Huế và Nam Định vào An Giang làm việc.

Nhóm thợ được lo chỗ ăn uống và tạo điều kiện thuận lợi nhất để làm việc. Để hoàn thiện hơn 50 tác phẩm, nhóm thợ mất hơn 5 năm.


Linh vật của năm Nhâm Dần 2022. Ảnh: Tính Lập


Các tác phẩm từ gỗ lũa. Ảnh: Tính Lập


Đầu sư tử được tạc từ gỗ lũa. Ảnh: Tính Lập

“Gỗ lũa là lõi của bất kỳ cây gì, qua nhiều năm trầm thuỷ, cát làm xói mòn hóa thạch khi trục vớt lên còn lõi cây nên gọi là gỗ lũa. Sau hàng trăm năm, những phần bên ngoài đã mục hết chỉ còn lại lõi cây nên rất bền và cứng, hầu như không xác định được là loại cây gì” – anh Khánh chia sẻ.

Theo lời anh Khánh, loại gỗ lũa này được người châu Âu dùng rất nhiều. Ở Việt Nam, số gỗ lũa của cậu anh Khánh thuộc vào loại nhiều nhất và trưng bày phục vụ du khách đến tham quan chứ không bán.

Tính Lập///danviet.vn

Link báo gốc: https://danviet.vn/mo-duoi-day-song-tien-ra-kho-bau-mot-nguoi-mien-tay-tao-ra-nhung-tac-pham-nghe-thuat-vo-gia-20220129184625238.htm

ĐỜI SỐNG TIN TỨC