Mưu sinh ở vùng biển Gò Công

Mưu sinh ở vùng biển Gò Công

Không biết từ lúc nào xóm biển ở thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) trở thành ngôi nhà chung của nhiều ngư dân không chỉ trong tỉnh, mà cho cả ngư dân các tỉnh lân cận. Mỗi nhà là một câu chuyện khác nhau, nhưng có một điểm chung là kiếm sống bằng nghề đánh bắt trên biển.

Thuộc nằm lòng từng ngõ ngách trong xóm biển Vàm Láng, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Lăng 3, thị trấn Vàm Láng Trần VănThanh đón chúng tôi từ sớm và hướng dẫn đến xóm biển – nơi có nhiều hộ dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy, hải sản. Đồng chí Thanh nói: “Xóm này hầu như nhà nào cũng sống bằng nghề biển, vì đa phần không đất sản xuất. Nhiều gia đình gắn bó với nghề biển từ đời ông cha, nhiều thế hệ tiếp nối bám biển mưu sinh”.

NHỌC NHẰN MƯU SINH

Đang lau chùi, tát nước, rửa ghe sau một ngày đánh bắt, khi thấy chúng tôi đến, chú Nguyễn Hoàng Tâm (khu phố Lăng 3) có 22 năm sống với nghề biển nhanh chân bước vào nhà. Ngồi trong căn nhà đơn sơ, chú Tâm kể chuyện đi biển với nụ cười hiền lành: Hồi còn thanh niên, tôi đi tàu mướn có khi mấy tháng mới vào bờ. Đi tàu lớn thu nhập cao nhưng vất vả, cực khổ lắm.

Lớn tuổi, sức khỏe giảm nên tôi vay ngân hàng cùng vốn tích lũy của gia đình mua chiếc ghe nhỏ. Mỗi ngày, tôi đi te (bắt tôm, cá nhỏ ven biển bằng các dụng cụ thô sơ) từ sáng đến chiều tối mới về. “Mình đi ghe nhà được cái đỡ cực hơn đi làm mướn chứ không sung sướng gì. Bởi đi chuyến nào trúng thì đỡ, còn không thì huề tiền dầu, lỗ công sức luôn”- chú Tâm bộc bạch.

Dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng ngư dân vẫn gắn bó với nghề mưu sinh trên biển.

Dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng ngư dân vẫn gắn bó với nghề mưu sinh trên biển.

Vợ chú Tâm ngồi kế bên tiếp lời: Nghề biển 5 ăn 5 thua, có người lời bạc tỷ làm giàu nhanh chóng nhưng cũng có người lỗ lâm cảnh nợ nần. Vợ chồng tôi có 2 đứa con, con gái lớn có chồng, chồng nó đi tàu mướn. Năm 25 tuổi, trong một lần đi biển đánh bắt xa bờ do sóng lớn nó ngã vô máy xay nước đá bị nát cánh tay phải cưa. Chỉ còn 1 tay nên không ai thuê mướn, nên nó về đi ghe nhà. Còn thằng con theo nghề cha. Hằng tháng, 3 cha con đi biển kiếm sống, có bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Không có đất canh tác, lại ít chữ, chúng tôi chỉ biết bám biển mưu sinh.

Cũng như ông Nguyễn Hoàng Tâm, ông Nguyễn Văn Muồi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Khai thác thủy sản Vàm Láng cũng là người có nhiều năm gắn bó với nghề biển. Chia sẻ với chúng tôi, ông Muồi nói: “Gia đình tôi đã 3 đời bám biển. Tiếp nối truyền thống gia đình, tôi lớn lên cũng vui buồn cùng biển. Hơn 10 tuổi tôi đã theo cha đi tàu ra biển và gắn bó đến nay cũng ngót hơn 40 năm. Chừng ấy năm tôi chứng kiến đủ thăng trầm của nghề này, vui nhiều mà buồn cũng không ít”.

Cuộc sống của ngư dân nơi đây phần lớn dựa vào mùa vụ và thời tiết. Mùa khai thác được nhất là vào khoảng tháng Giêng cho đến hết tháng 5 âm lịch do ít sóng, tôm, cá nhiều. Còn từ tháng 6 đến tháng 12 âm lịch, gió to, biển động, ngư dân phải ở nhà chờ, đợi sóng êm mới ra khơi đánh bắt. “Ghe nhỏ, lắm lúc gặp mưa lớn, sóng to sợ lắm, nhưng không làm nghề này thì làm nghề gì nuôi gia đình? Cầu mong mưa thuận gió hòa, đừng bão tố để ngư dân nơi đây đỡ khổ, mỗi chuyến đánh bắt đều có nhiều tôm, cá” – chú Nguyễn Hoàng Tâm chia sẻ.

VẪN KHÁT VỌNG VƯƠN KHƠI BÁM BIỂN

Huyện Gò Công Đông xác định thị trấn Vàm Láng và các xã: Gia Thuận, Tân Phước, Kiểng Phước, Tân Điền, Tân Thành có thế mạnh kinh tế biển. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, nghề đánh bắt hải sản truyền thống của địa phương đã góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Hiện huyện có 921 phương tiện đánh bắt, công suất 357.240 CV với 5.793 lao động, sản lượng khai thác đạt 56.000 tấn thủy sản các loại.

Những năm gần đây, lãnh đạo huyện biển Gò Công Đông rất quan tâm chỉ đạo, tích cực hỗ trợ ngư dân với nhiều giải pháp như: Thành lập Nghiệp đoàn khai thác hải sản thị trấn Vàm Láng, để hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, thông tin về ngư trường, thị trường, hỗ trợ vay vốn mua sắm ngư cụ, trang thiết bị phục vụ khai thác biển, kết nối thông tin từ tàu về đất liền… Còn gần đây, HTX Khai thác thủy sản Vàm Láng đã được thành lập cũng với mục đích hỗ trợ ngư dân…

Lãnh đạo UBND thị trấn Vàm Láng cho biết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị trấn thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và luôn trong tư thế chủ động; tập huấn kiến thức về phòng, chống thiên tai cho người dân sống ở những vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai, sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra; phối hợp Đài Truyền thanh thị trấn thường xuyên tuyên truyền tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; tuyên truyền ngư dân ngăn chặn tình trạng sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ và nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản. Cùng với đó là giải ngân hỗ trợ tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Dù vậy, theo nhiều ngư dân nơi đây, hiện nay ngư dân vẫn còn không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là lao động đi biển. Vì thiếu lao động nên nhiều chủ tàu phải thuê thuyền viên từ địa phương khác. Dù nghề đánh bắt trên biển ngày càng khó khăn, nhưng nhiều người vẫn không bỏ nghề, vẫn khát vọng vươn khơi bám biển.

Ngư dân hy vọng sau khi HTX Khai thác thủy sản Vàm Láng thành lập, các thành viên HTX có cơ hội phối hợp với các ngành liên quan để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, đảm bảo an toàn khi đánh bắt trên biển và đặc biệt là công tác đào tạo nghề cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Dù nghề khai thác biển bấp bênh, nguy hiểm nhưng ngư dân vùng biển Gò Công vẫn gắn bó với nghề và mong lãnh đạo các cấp quan tâm tháo gỡ khó khăn, để họ yên tâm bám biển.

GIA TUỆ/baoapbac.vn

Link bài viết gốc: http://www.baoapbac.vn/xa-hoi/202104/muu-sinh-o-vung-bien-go-cong-923406/

ĐỜI SỐNG