Tại sao cùng quãng đường nhưng lại cảm thấy chặng đi khác chặng về?

Tại sao cùng quãng đường nhưng lại cảm thấy chặng đi khác chặng về?

Dù cùng một con đường, cùng một thời gian nhưng nhiều người vẫn cảm thấy chiều về có vẻ ngắn hơn chiều đi. Thực ra đây đều là do hiệu ứng tâm lý.

Có rất nhiều người dù đi cùng một đoạn đường nhưng lại luôn có cảm giác lúc đi lâu hơn so với lúc về. Thậm chí, dù thời gian, quãng đường có giống nhau đi chăng nữa thì cảm giác này vẫn sẽ xuất hiện. Vậy tại sao chúng ta lại nghĩ như vậy?

 Nhiều người thường có cảm giác lúc đi lâu hơn so với lúc về. (Ảnh minh hoạ: Dân Việt)
Nhiều người thường có cảm giác lúc đi lâu hơn so với lúc về. (Ảnh minh hoạ: Dân Việt)

Thực chất, tâm lý này từng được các nhà khoa học nghiên cứu và đặt tên là “hiệu ứng chuyến đi trở về” (return trip effect). Tức là cảm giác quãng đường di chuyển từ điểm về – điểm đến ngắn hơn so với chiều ngược lại.

Hiệu ứng này bắt nguồn từ sự quen thuộc. Khi chúng ta đi qua một con đường, bộ não sẽ tự động chú ý đến cảnh vật xung quanh. Thế nhưng khi trở về, vì đã quen thuộc với đường nên chúng ta thường chú ý đến cảm giác về thời gian hơn.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu thật kĩ càng, các nhà khoa học lại phát hiện ra rằng hiện tượng này không phải là gốc rễ của vấn đề. Bởi nếu xét trong quá trình di chuyển bằng máy bay (nơi có trải nghiệm chiều đi và về giống nhau), hay một con đường mới mà mọi người chưa từng đi thì hiệu ứng chuyến đi trở về lại không chính xác.

 Khi di chuyển trên một con đường, chúng ta thường sẽ chú ý đến cảnh vật nhiều hơn. (Ảnh minh hoạ: Tinh Tế)
Khi di chuyển trên một con đường, chúng ta thường sẽ chú ý đến cảnh vật nhiều hơn. (Ảnh minh hoạ: Tinh Tế)

Thực tế, cảm giác đó dựa trên sự đo lường và trải nghiệm thời gian của cơ thể chúng ta. Tức là chúng ta tự đánh giá thời gian dựa trên nền tảng trí nhớ. Đây cũng chính là lí do khi đi đường, ít người cảm thấy sự khác biệt, nhưng một khi đã về đúng địa điểm, não bộ lại sinh ra tâm lý có vẻ như chuyến trở về ngắn hơn chuyến còn lại.

Bên cạnh đó, cảm giác khi đi đường cũng ảnh hưởng đến tâm lý. Khi rời khỏi nhà, trong đầu mọi người đã định sẵn thời gian sẽ đến điểm tiếp theo. Vì vậy mà thường có thói quen chú ý đến thời gian, kiểm tra đồng hồ thường xuyên hơn. Từ đó sinh ra cảm giác thời gian không trôi qua, sự chờ đợi cũng bị kéo dài.

Còn ở quãng đường trở về, nhiều người lại không quá quan tâm “đến nhà khi nào”. Bởi họ không có kế hoạch cụ thể khi về sẽ làm gì, thế nên không cần quá quan tâm đến vấn đề thời gian.

Một lý do khác khiến chúng ta cảm thấy sự chênh lệch về thời gian lúc đi và lúc về đó là sự hào hứng. Khi đến một địa điểm nào đó, nhất là trong chuyến du lịch, hầu hết mọi người đều háo hức, mong chờ tới đích sớm. Còn khi trở về sẽ không còn cảm thấy vui như lúc đầu, vì vậy không quá quan tâm đến thời gian hay cảnh vật xung quanh.

 Ở chiều đi, mọi người thường có cảm giác hào hứng. (Ảnh minh hoạ: VnExpress)
Ở chiều đi, mọi người thường có cảm giác hào hứng. (Ảnh minh hoạ: VnExpress)

Thực tế, “hiệu ứng chuyến đi trở lại” không chỉ xuất hiện lúc chúng ta đi đường, mà ngay cả khi xem video cũng có cảm giác tương tự. Điều này đã được các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm chứng minh. Họ phát 2 đoạn video về cùng một người đi xe đạp. Tuy cả hai video đều dài 7 phút, có quãng đường giống hệt nhau nhưng những người xem vẫn cảm thấy cảnh người đi xe đạp về nhà nhanh hơn lúc đi.

Như vậy có thể chắc chắn rằng “hiệu ứng chuyến đi trở về” là hoàn toàn có thật. Nếu muốn, mọi người có thể tự mình kiểm chứng nhé!

Kamena/ https://www.yan.vn/

Link báo gốc: https://www.yan.vn/tai-sao-cung-quang-duong-nhung-lai-cam-thay-chang-di-khac-chang-ve-270772.html

ĐỜI SỐNG