Theo dự kiến, ngoài 11 tỉnh, thành không sáp nhập, 52 tỉnh, thành còn lại được sáp nhập thành 23 tỉnh, thành mới. Quy mô diện tích, dân số các tỉnh, thành có nhiều thay đổi ra sao?

Một góc Hà Nội hiện nay – Ảnh: HỒNG QUANG
Nghị quyết 60 tại hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương).
Quy mô dân số, diện tích dự kiến sau sáp nhập
Danh sách kèm theo nghị quyết số 60 có 11 đơn vị cấp tỉnh (2 thành phố, 9 tỉnh) không thực hiện sáp nhập, gồm: TP Hà Nội, TP Huế, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng.

Danh sách 11 tỉnh, thành không thực hiện sáp nhập (dân số tính đến đầu năm 2024) – Ảnh: Chụp màn hình
Theo đề án của Chính phủ, có 52 tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập, hợp nhất để hình thành 23 tỉnh, thành mới.
Cụ thể gồm 4 thành phố: Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
48 tỉnh gồm:
Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông.
Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Kiên Giang.



Danh sách dự kiến tên gọi, diện tích, dân số của 23 tỉnh, thành mới sau sáp nhập – Ảnh: THÀNH CHUNG
Dự kiến tỉnh nào có diện tích lớn nhất?
Dự kiến việc sáp nhập lần này sẽ dẫn tới sự thay đổi lớn trên “bảng xếp hạng” quy mô các tỉnh, thành cả nước so với hiện nay.
Tỉnh mới Lâm Đồng (dự kiến sáp nhập Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận) sẽ trở thành địa phương rộng lớn nhất cả nước với tổng diện tích trên 24.200km2.
Tỉnh rộng thứ 2 sẽ là tỉnh Gia Lai mới (sáp nhập tỉnh Gia Lai và Bình Định) với diện tích hơn 21.500km2.
Tỉnh Đắk Lắk mới (sáp nhập tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên) sẽ là tỉnh rộng thứ 3 với diện tích hơn 18.000km2.
Cả 3 tỉnh này đều có diện tích lớn hơn tỉnh lớn nhất hiện nay là Nghệ An với hơn 16.000km2.
Cũng theo danh sách dự kiến thì tỉnh nhỏ nhất cả nước sau khi sáp nhập là tỉnh Hưng Yên mới (sáp nhập tỉnh Hưng Yên và Thái Bình) với diện tích hơn 2.500km2.
Còn tỉnh Bắc Ninh tỉnh nhỏ nhất cả nước hiện nay, với 822km2, sau khi sáp nhập với Bắc Giang cũng sẽ có quy mô rộng lớn hơn nhiều tỉnh, thành khác, với tổng diện tích vượt mức 4.000km2.
Tỉnh có diện tích nhỏ thứ hai hiện nay là Hà Nam, với 860km2, theo dự kiến sẽ thực hiện sáp nhập với Nam Định, Ninh Bình thành tỉnh mới Ninh Bình, có diện tích xấp xỉ 4.000km2.
Vì sao không sáp nhập tỉnh Cao Bằng?
Trong đề án của Chính phủ cũng nêu rõ lý do không thực hiện sáp nhập tỉnh Cao Bằng.
Tỉnh Cao Bằng có diện tích tự nhiên chưa đạt theo quy định (6.700,4km² chỉ đạt 83,8% tiêu chuẩn) nhưng không thực hiện sắp xếp vì các lý do:
Tỉnh có đường biên giới quốc gia rất dài giáp với nước Trung Quốc, địa hình đồi núi cao chia cắt phức tạp, hiểm trở, có gần 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Các tỉnh giáp ranh đều không phù hợp để sắp xếp, sáp nhập: Phía tây giáp ranh tỉnh Hà Giang đã dự kiến sáp nhập với tỉnh Tuyên Quang thành một tỉnh mới có diện tích tự nhiên lớn.
Phía nam giáp ranh với tỉnh Bắc Kạn nhưng đã dự kiến sáp nhập với tỉnh Thái Nguyên.
Phía đông giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn có diện tích lớn và đã bảo đảm đạt 100% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số, nếu sáp nhập tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn sẽ thành một tỉnh mới có chiều dài đường biên giới lớn, khó khăn trong công tác bảo đảm quốc phòng – an ninh.

Đồ họa: NGỌC THÀNH
https://tuoitre.vn/du-kien-dien-tich-dan-so-34-tinh-thanh-sau-sap-nhap-tinh-nao-co-dien-tich-lon-nhat-20250415100350791.htm