Bà Rịa – Vũng Tàu lấy ý kiến cử tri về 2 dự thảo đề án sáp nhập tỉnh vào với TP.HCM và Bình Dương; đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức lấy ý kiến người dân về việc hợp nhất với TPHCM, tỉnh Bình Dương, dự kiến lấy tên là TPHCM và phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.
Ngày 16/4, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết vừa ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri là đại diện hộ gia đình về việc hợp nhất tỉnh này với TPHCM, Bình Dương và phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.
Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Quang Hưng
Theo kế hoạch, UBND các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, TP sẽ lập và niêm yết danh sách cử tri trên địa bàn (đại diện hộ gia đình có đăng ký thường trú, tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng của việc hợp nhất và sắp xếp đơn vị hành chính) để lấy ý kiến.
Đối với huyện Côn Đảo, tổ chức lấy ý kiến về việc hợp nhất như trên và việc chuyển huyện Côn Đảo thành đặc khu Côn Đảo.
Đối với 3 xã Long Sơn (TP Vũng Tàu), Hòa Hiệp, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), chỉ tổ chức lấy ý kiến đối với việc hợp nhất như trên (3 đơn vị hành chính cấp xã đủ tiêu chuẩn không phải thực hiện sắp xếp – PV).
Hình thức lấy ý kiến theo phiếu phát cho hộ gia đình, thực hiện từ ngày 17-19/4.
Sau hợp nhất, TPHCM trở thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ
Hôm qua (15/4), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã họp thông qua dự thảo đề án thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, từ 77 đơn vị còn 30 (gồm 11 phường, 18 xã và đặc khu Côn Đảo; đạt tỷ lệ giảm 61,02%).
Quốc lộ 51 kết nối Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM hiện nay. Ảnh: Quang Hưng
Tại Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13, Trung ương đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương). Trong đó, hợp nhất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM; lấy tên là TPHCM, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại TPHCM hiện nay.
Dự kiến TPHCM sau sáp nhập rộng hơn 6.772 km2 (đạt hơn 135% so với tiêu chuẩn), dân số hơn 13,7 triệu người (đạt 979% so với tiêu chuẩn), 190 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.
Trung tâm hành chính – chính trị ở 86 Lê Thánh Tôn (Quận 1, TPHCM), cơ sở 2 ở Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương (đường Lê Lợi, TP Thủ Dầu Một) và cơ sở 3 ở Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (số 1 đường Phạm Văn Đồng, TP Bà Rịa).
https://vietnamnet.vn/ba-ria-vung-tau-lay-y-kien-nguoi-dan-ve-viec-hop-nhat-voi-tphcm-va-binh-duong-2391952.html