Ngày 15/4, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết vừa họp bàn kế hoạch tổ chức lễ thông xe kỹ thuật dự án thành phần 3 đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.

Theo đó, lễ thông xe dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ diễn ra vào ngày 19/4. Đoạn này dài 19,5km có điểm đầu tại TP Phú Mỹ (giáp ranh tỉnh Đồng Nai) và điểm cuối tại vòng xoay Quốc lộ 56, TP Bà Rịa.

--
W-thông xe cao tốc biên hòa   vũng tàu.JPG.jpg
Đoạn đầu dự án thành phần 3 giáp đoạn cuối dự án thành phần 2 qua tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Quang Hưng

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án giao thông khu vực và Chuyên ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (chủ đầu tư), đến nay dự án thành phần 3 cao tốc đã thi công đạt hơn 80% tổng khối lượng.

Trong đó, phần mặt đường đã được thảm nhựa lớp trên cùng, lắp đặt dải phân cách, hệ thống biển báo, lan can. Các cầu vượt trên tuyến chính đã hoàn thành, cầu vượt ngang hoàn tất việc lắp dầm.

W-đường nối cao tốc biên hòa vũng tàu.JPG.jpg
Đoạn cuối cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại vòng xoay Quốc lộ 56. Ảnh: Quang Hưng

Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được khởi công tháng 6/2023, dài gần 54km, quy mô 4-6 làn xe, với tổng mức đầu tư khoảng 17.800 tỷ đồng. Trong đó, Bà Rịa – Vũng Tàu làm chủ đầu tư thành phần 3 dài 19,5km; Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư thành phần 2 dài 18,2km; tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư thành phần còn lại 16km.

So với dự án thành phần 3, hai dự án thành phần còn lại qua địa bàn Đồng Nai gặp khó khăn do vướng mặt bằng và hiện đang được các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch.

Như vậy, toàn tuyến cao tốc này sau khi hoàn thành và đi vào khai thác sẽ giúp rút ngắn quãng đường di chuyển từ TPHCM đi Vũng Tàu và ngược lại chỉ mất 70 phút, bằng nửa thời gian đi quốc lộ 51 thường xuyên ùn tắc như hiện nay.

Theo kế hoạch, vào ngày 19/4, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng sẽ tổ chức lễ khởi công đường nối vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (đoạn từ quốc lộ 56 đến nút giao vòng xoay đường 51B,C TP Vũng Tàu). Tuyến đường này có tổng chiều dài hơn 16,4km với tổng mức đầu tư 13.900 tỷ đồng.

TPHCM xuống Bà Rịa – Vũng Tàu phải đi qua đường Đồng Nai, nếu sáp nhập đi lại thế nào?Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có điều kiện phát triển các tuyến giao thông. Nếu tỉnh này sáp nhập vào TPHCM, việc kết nối đi lại của người dân hiện nay chủ yếu là đường bộ theo quốc lộ 51 và phải qua địa phận Đồng Nai.