Sắp thu hồi đất 5.862 hộ dân TPHCM và 4 tỉnh làm tuyến đường lớn nhất Đông Nam Bộ

Vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài khoảng 207 km, đi qua 5 địa phương gồm TPHCM (20,5 km), Bình Dương (47,95 km), Đồng Nai (46,08 km), Bà Rịa – Vũng Tàu (18,23 km) và Long An (74,5 km).
Đây là dự án đường bộ lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ từ trước đến nay, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối giao thông và phát triển kinh tế.
Trong đó, đoạn dài 48 km qua địa phận Bình Dương sẽ do địa phương này thực hiện một dự án độc lập theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Gần 160 km còn lại sẽ được tích hợp thành một dự án tổng thể do các tỉnh, thành phối hợp thực hiện, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 5 tới, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỉ đồng.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, toàn bộ dự án sẽ sử dụng khoảng 1.415,49 ha đất. Trong đó có 455,71 ha đất trồng lúa, 245,16 ha đất nông nghiệp khác, 152,21 ha đất ở, 511,33 ha đất trồng cây lâu năm, 5,90 ha đất sản xuất – kinh doanh phi nông nghiệp và 45,18 ha đất khác.
Đoạn Vành đai 4 đi qua TPHCM sẽ chiếm dụng 206,5 ha đất, gồm 173,64 ha tại huyện Củ Chi và 32,86 ha tại huyện Nhà Bè. Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, diện tích đất cần thu hồi là 146,8 ha; Đồng Nai là 482,68 ha; còn Long An là 579,51 ha.
Tổng cộng, khoảng 5.862 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất phục vụ dự án Vành đai 4.
Trong đó, TPHCM có 1.280 hộ (huyện Củ Chi với 1.235 hộ và huyện Nhà Bè với 27 hộ). Tỉnh Đồng Nai có 1.697 hộ bị ảnh hưởng, Long An 2.290 hộ và Bà Rịa – Vũng Tàu là 595 hộ.
Chi phí sơ bộ cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Vành đai 4 TPHCM khoảng 41.090 tỉ đồng.
TPHCM cần khoảng 8.218 tỉ đồng (huyện Củ Chi hơn 6.691 tỉ đồng và huyện Nhà Bè hơn 1.527 tỉ đồng). Đồng Nai cần 9.333 tỉ đồng; Long An là 19.529 tỉ đồng; Bà Rịa – Vũng Tàu là 4.007 tỉ đồng.

Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 TPHCM, các địa phương nơi tuyến đường đi qua sẽ đồng loạt triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Quá trình này sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, đồng thời đảm bảo ổn định đời sống, tạo sinh kế, đào tạo nghề và có chính sách đền bù hợp lý cho người dân bị ảnh hưởng, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Hiện nay, HĐND TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An đều đã thống nhất chủ trương đầu tư tuyến Vành đai 4 TPHCM, đồng thời cam kết cân đối ngân sách địa phương để tham gia thực hiện dự án.

Hội đồng thẩm định Nhà nước cũng đã thông qua báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 TPHCM, đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt theo đề xuất của UBND TPHCM để kịp tiến độ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5.2025.
TPHCM hiện đang phối hợp cùng Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến góp ý từ Hội đồng và các bộ, ngành để hoàn thiện tờ trình của Chính phủ.
Theo kế hoạch, dự án Vành đai 4 TPHCM sẽ được khởi công vào năm 2026 và hoàn thành năm 2028. Khi đưa vào vận hành, tuyến đường này sẽ trở thành một trục giao thông chiến lược, kết nối các tuyến cao tốc, quốc lộ, cảng biển, sân bay… qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nguồn: https://laodong.vn/bat-dong-san/sap-thu-hoi-dat-5862-ho-dan-tphcm-va-4-tinh-lam-tuyen-duong-lon-nhat-dong-nam-bo-1500800.ldo