ViruSs với phiên livestream thứ 2, không lời xin lỗi, chỉ là một cú chuyển hướng chiến lược, đổi sân chơi để tiếp tục gặt hái tiền bạc từ sự tò mò của dư luận.
Phiên livestream tối 29/3/2025 của ViruSs – kéo dài chưa đến 10 phút – tưởng như để xin lỗi, khép lại lùm xùm… nhưng không! Anh ta khéo léo “tung thính” sẽ tiếp tục livestream trên YouTube.
Một lời tuyên bố ngắn nhưng mang giá trị triệu view, với mục tiêu duy nhất: Chuyển người xem TikTok sang YouTube – nơi có thể kiếm được nhiều tiền hơn qua quảng cáo, donate, tài trợ.
Không lời xin lỗi minh bạch. Không hành động trách nhiệm. Chỉ là một cú chuyển hướng chiến lược, đổi sân chơi để tiếp tục gặt hái tiền bạc từ sự tò mò của dư luận.
“Drama hóa đời tư” – thủ đoạn cũ nhưng luôn hiệu quả với người thiếu đạo đức
Không ai phản đối việc KOL/KOC chia sẻ quan điểm cá nhân. Nhưng dàn dựng – câu kéo – khơi gợi cảm xúc tiêu cực để lôi kéo người xem vào cuộc “bán đứng đời tư”, thì đó không còn là nội dung, mà là thủ đoạn trục lợi.
Các phiên livestream này không nhằm giải quyết mâu thuẫn, mà để giữ nhiệt truyền thông. Lượng người xem, donate, lượng search tên “ViruSs” tăng đột biến – tất cả đều quy ra doanh thu.
Những người bị tổn thương (như Pháo, Ngọc Kem…) trở thành diễn viên bất đắc dĩ trong vở kịch mà “nhân vật chính” vừa là đạo diễn, vừa là người thu lợi…
Trên thế giới, thủ đoạn “Drama hóa đời tư” cho thấy, càng vi phạm càng “bay màu” – không có vùng cấm cho đạo đức giả. Có thể thấy rõ điều đó tại nhiều quốc gia phát triển. Như tại Hàn Quốc, khi một idol vướng scandal đạo đức (dù chưa có phán quyết pháp lý), họ sẽ tự rút lui, bị các nhãn hàng hủy hợp đồng, khán giả tẩy chay triệt để.
Hay tại Mỹ, một số YouTuber đình đám như David Dobrik từng bị “phong sát mềm” sau khi dính scandal liên quan đến lạm dụng và dối trá – lượng người đăng ký kênh sụt giảm hàng triệu chỉ sau 1 tuần.
Còn tại Trung Quốc, chỉ cần livestream sản phẩm giả, nghệ sĩ có thể bị phong sát vĩnh viễn, xóa tài khoản, không được lên sóng…
Có thể thấy, tất cả đều đặt ranh giới rõ ràng giữa tự do ngôn luận và trục lợi đạo đức.
Công cụ pháp lý chưa đủ mạnh để xử lý việc “trục lợi từ tai tiếng”
Trái ngược với một số quốc gia như dẫn chứng ở trên, ở Việt Nam đang có một nghịch lý: Càng ồn ào – càng giàu có?. Đây là nghịch lý nhức nhối, livestream lùm xùm kéo hàng triệu view. Người gây tranh cãi được mời PR, tăng follow, xuất hiện ở show truyền hình… Chính điều này đang tiếp tay cho một nền “kinh tế scandal” bẩn thỉu phát triển.
Người xem vô tình trở thành nạn nhân tiếp tay, người tiêu dùng bị dắt mũi bởi cảm xúc, còn truyền thông chân chính thì bị lấn át bởi những phiên “lai chim” nhảm nhí mà lợi nhuận tính bằng giây.
Đã đến lúc xử lý nghiêm và tẩy chay kiên quyết. Cơ quan chức năng phải vào cuộc. Xử phạt vi phạm hành chính là chưa đủ.
Theo đó, cần xây dựng cơ chế, nếu KOL/KOC vi phạm đạo đức, sẽ bị cấm livestream có doanh thu trong một thời gian, hoặc công bố công khai vi phạm trên hệ thống truyền thông nhà nước.
Về mặt xã hội, cộng đồng cần phải tỉnh táo. Người tiêu dùng, người xem cần cắt dòng máu donate, view, follow cho những kẻ trục lợi từ đạo đức giả. Cùng với đó, báo chí cần phanh phui chiêu trò – phản biện sắc bén – dựng lại lằn ranh đạo đức truyền thông.
Khi một người có thể kiếm tiền từ sự xấu hổ, từ nỗi đau người khác, từ cảm xúc tiêu cực của cộng đồng – thì đó không còn là quyền tự do, mà là tội lỗi tập thể nếu xã hội không ngăn chặn.
Chúng ta cần một làn sóng tẩy chay dứt khoát: Không follow – không xem – không donate cho bất kỳ ai dùng chiêu trò đời tư để kiếm tiền. Và báo chí cần tiên phong: Phơi bày – phản biện – dẫn dắt công chúng thoát khỏi “cái bẫy drama”…
Xem thêm: 1,5 triệu người xem livestream, ViruSs là ai, kiếm tiền thế nào?
Không chỉ nổi tiếng trên mạng xã hội, streamer ViruSs (tên thật là Đặng Tiến Hoàng) còn đứng tên đại diện một số công ty.
Tối 28/3, buổi livestream của streamer ViruSs trên TikTok thu hút hơn 1 triệu người xem, có thời điểm lên tới hơn 1,5 triệu người xem. Trong đó, có phần đối chất giữa nam streamer này và nữ rapper liên quan tới lùm xùm tình ái.
Các tình tiết trong cuộc trò chuyện gây bão trên mạng xã hội, tạo nên nhiều cuộc bàn tán, những ý kiến trái chiều. Dù trở thành tâm điểm chỉ trích của cư dân mạng, nhưng với lượng xem lên tới 4,8 triệu, streamer ViruSs có thể thu về số tiền lớn. Sau buổi livestream, ViruSs có thể thu về tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.
Như các buổi livestream trước, ViruSs bật tính năng yêu cầu người xem trả phí để có thể bình luận hoặc tham gia thảo luận. Mức phí đăng ký để tham gia bình luận trong livestream trên TikTok dao động từ 135.000-155.000 đồng/tháng.
Trong phiên live, nam streamer nhận được rất nhiều quà ủng hộ từ người xem như sư tử, cá heo, TikTok Universe,… Một số món quà có giá lên tới hàng triệu đồng. Để có phần thưởng cho nam streamer, người dùng mạng xã hội TikTok phải bỏ tiền triệu ra để mua những món quà này.

Theo nhận định của một TikToker, các streamer không nhận hết số tiền từ phần thưởng mà phải chia sẻ doanh thu cho nền tảng TikTok. Như vậy, ViruSs có thể sẽ phải chia sẻ doanh thu cho TikTok theo tỷ lệ hoa hồng.
ViruSs tên thật là Đặng Tiến Hoàng, sinh năm 1988. Anh xuất thân là streamer, Youtuber, sau đó lấn sân sang mảng âm nhạc với các vai trò nhạc sĩ, nhà sản xuất.
Theo thông tin từ hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia, Đặng Tiến Hoàng (ViruSs) là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH VR Studio (VR Studio), Công ty TNHH công nghệ và giải pháp AIVORA, Hộ kinh doanh Đặng Tiến Hoàng.
Hoạt động kinh doanh chính của Công ty TNHH VR Studio là tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại (không thực hiện các hiệu ứng cháy, nổ; không sử dụng chất nổ, chất cháy, hóa chất làm đạo cụ, dụng cụ thực hiện các chương trình văn nghệ, sự kiện, phim ảnh).
Ngoài ra, công ty này còn có thêm hoạt động kinh doanh ghi âm và xuất bản âm nhạc, cho thuê băng, đĩa video, hoạt động phát hành phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình, quảng cáo,…
Công ty TNHH VR Studio được thành lập ngày 7/12/2016, vốn điều lệ 1 tỷ đồng, trụ sở tại quận 1, TPHCM.
Công ty TNHH công nghệ và giải pháp AIVORA có ngành nghề kinh doanh chính là xuất bản phần mềm và các ngành khác như buôn bán máy tính, thiết bị điện tử, hoạt động công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại, đào tạo giáo dục,…
Công ty này đặt trụ sở tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TPHCM.
https://vietnamnet.vn/1-5-trieu-nguoi-xem-livestream-viruss-la-ai-kiem-tien-the-nao-2385696.html