Tiền Giang: Chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn

Tiền Giang: Chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn

(ABO) Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được các ngành, các cấp quan tâm, triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh và đã đạt được một số kết quả khả quan. Mặc dù, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng các ổ dịch mới phát sinh đã được các địa phương chủ động xử lý; đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19; công tác khám sàng lọc tại các cơ sở y tế được quan tâm thực hiện; công tác điều trị được phân tầng hợp lý hơn; một số địa phương đã tích cực triển khai cách ly F0 tại cơ sở theo chỉ đạo của UBND tỉnh…

Tuy nhiên, vẫn còn một số ngành, địa phương hạn chế trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, như: Việc xử lý ổ dịch có lúc, có nơi còn chậm (hoạt động điều tra, truy vết chưa đáp ứng yêu cầu, phong tỏa chưa đúng khu vực nguy cơ, công tác lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm chưa đúng thời gian quy định); việc tổ chức lấy mẫu tầm soát đối với các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao còn hạn chế, một số nơi không thực hiệc việc tầm soát; công tác quản lý địa bàn chưa chặt chẽ, còn để người dân tổ chức đám, tiệc tập trung đông người; đặc biệt là tâm lý chủ quan, lơ là, buông lỏng công tác phòng, chống dịch của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trong điều kiện nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; để kịp thời chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch 295, Công văn 6615, Công văn 6808, các thông báo kết luận và các văn bản có liên quan; trong đó, tập trung thực hiện nghiêm túc những nội dung sau:

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống dịch, quyết tâm khống chế các ổ dịch cũ, quyết không để phát sinh ổ dịch mới; không chủ quan, lơ là trong công tác quản lý địa bàn, xử lý ổ dịch; tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người, ngay cả khi đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác.

Quán triệt thực hiện nghiêm việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; việc nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; vận động chấp hành tốt việc không tổ chức tiệc, liên hoan, tụ tập uống rượu, bia… trong thời điểm hiện nay. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và chịu trách nhiệm khi để xảy ra dịch bệnh ở cơ quan, đơn vị vì lý do nêu trên.

Sở Y tế: Chịu trách nhiệm điều phối máy móc, sinh phẩm, đảm bảo công tác xét nghiệm và trả kết quả, phục vụ điều tra, truy vết và tầm soát cộng đồng. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm và trả kết quả nhanh trong vòng 12 giờ hoặc không quá 24 giờ. Tăng cường năng lực chuyên môn của hệ thống y tế các cấp, nhất là cấp cơ sở để phục vụ cho công tác điều trị, tăng cường cách ly F0 tại cơ sở và đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất. Có kế hoạch, phương án chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, giảm tối đa tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ tử vong.

Hướng dẫn cụ thể phương án phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là quy trình xử lý các ca F0, F1. Phối hợp với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động thành lập ngay các tổ/đội y tế để hỗ trợ doanh nghiệp khi có dịch xảy ra; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và xây dựng quy chế hoạt động cho các tổ/đội y tế.

Sở Thông tin và Truyền thông: Tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai sử dụng các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan báo, đài cung cấp kịp thời thông tin chính thống (các chủ trương mới của trung ương, của tỉnh; các biện pháp phòng, chống dịch và diễn biến dịch bệnh trên địa bàn) cho nhân dân…

Sở Nội vụ: Tăng cường tổ chức kiểm tra các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch và việc xét nghiệm tầm soát định kỳ của các cơ quan, đơn vị. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý kỷ luật cũng như tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; tham mưu UBND tỉnh tổ chức tuyên dương, khen thưởng cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch (đặc biệt là ngành Y tế, Công an, Quân sự).

Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch, nhất là tại các địa bàn có dịch cấp độ 3, cấp độ 4. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch và gửi thông báo về địa phương người vi phạm cư trú để thông tin trên hệ thống truyền thanh cơ sở; đặc biệt là hành vi cố ý làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên người theo quy định…

Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục thẩm định, kiểm tra các phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo hướng dẫn tại Công văn 6526 của UBND tỉnh; đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, công tác xét nghiệm tầm soát định kỳ cho người lao động, phương án xử lý khi có ca mắc xảy ra.

UBND các huyện, thị xã, thành phố: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước điều kiện nới lỏng giãn cách xã hội và chuyển sang trạng thái bình thường mới; tuân thủ nghiêm 5K, nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân theo hình thức cuốn chiếu. Chuẩn bị danh sách, điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 18 tuổi ngay khi Trung ương phân bổ vắc xin; hình thức tiêm theo từng điểm trường, lớp, không tiêm ở địa phương.

Triển khai đồng loạt việc cách ly F0 tại cơ sở (tại nhà, trạm y tế…) trên địa bàn tỉnh; chủ động tổ chức các tổ/bộ phận quản lý, hỗ trợ cách ly F0 tại cơ sở. Củng cố trạm y tế xã, liên xã để hỗ trợ F0 ngay từ cơ sở.

Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

H.A / baoapbac.vn

Nguồn:http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202111/tien-giang-chan-chinh-cong-tac-phong-chong-dich-covid-19-tren-dia-ban-938680/

TIN TỨC