Cảnh báo nguy hiểm từ vụ bé 15 tháng qua đời vì rắn học trò

Cảnh báo nguy hiểm từ vụ bé 15 tháng qua đời vì rắn học trò

Dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng do chưa có huyết thanh kháng nọc độc loài rắn hoa cổ đỏ nên bé gái 15 tuổi đã không qua khỏi.

Theo thông tin trên báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam), ngày 6/4, Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã tiếp nhận một bệnh nhi tên N.T.N.T., 15 tháng tuổi, ngụ ở Tiền Giang bị rắn cắn được chuyển lên từ Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang vào ngày 29/3 vừa qua.

 Bệnh viện Nhi đồng 1, nơi tiếp nhận bệnh nhi bị rắn cắn. (Ảnh: Người lao động)
Bệnh viện Nhi đồng 1, nơi tiếp nhận bệnh nhi bị rắn cắn. (Ảnh: Người lao động)

Qua khai thác, người nhà bệnh nhi cho biết, bé T. bị rắn cắn khi đang ngồi chơi ngoài sân. Khi phát hiện, mọi người liền lấy lá thuốc đắp nhưng vết thương vẫn không ngừng chảy máu nên đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã dùng thuốc chống rối loạn đông máu và tiêm cho T. 4 lọ kháng huyết thanh dành cho rắn lục tre.

Nhưng tình hình không mấy khả quan khi máu vẫn liên tục chảy ra từ vết rắn cắn, ngoài ra trên cơ thể bé T. bắt đầu xuất hiện nhiều vết bầm. Ngay lập tức bệnh viện đã chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục điều trị.

Sau khi chẩn đoán và đối chiếu hình ảnh với gia đình, các bác sĩ xác định loài rắn cắn bé gái thực chất là rắn hoa cổ đỏ. Điều nguy hiểm là đến nay chưa có kháng huyết thanh với loài rắn độc này. Bé T. được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc và áp dụng các biện pháp chữa trị như truyền nhiều máu, chế phẩm máu gần như thay máu cho bệnh nhi và truyền thuốc rối loạn đông máu.

 Rắn hoa cổ đỏ, loài rắn nguy hiểm cắn bé gái. (Ảnh: Wikipedia)
Rắn hoa cổ đỏ, loài rắn nguy hiểm cắn bé gái. (Ảnh: Wikipedia)

Tuy nhiên bé T. dần rơi vào tình trạng nguy kịch, dưới da, chân răng cũng bị xuất huyết, thậm chí nghi có xuất huyết não. Dù các bác sĩ đã tích cực cứu chữa nhưng bé T. suy hô hấp và không qua khỏi 2 ngày sau đó.

Bác sĩ Phương cho biết trên báo Tin tức: “Chúng tôi đã liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi nghiên cứu về loại rắn này nhưng được biết ở Việt Nam chưa có kháng huyết thanh. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục liên hệ nhiều quốc gia để tìm kiếm kháng huyết thanh nhưng cũng không có. Chỉ có một bệnh viện ở Nhật đang nghiên cứu thử nghiệm kháng huyết thanh này nhưng chế phẩm vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa thể sử dụng được”.

 Hiện nay nhiều người nuôi loài rắn này làm thú cưng mà không biết rằng nó rất nguy hiểm. (Ảnh: Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
Hiện nay nhiều người nuôi loài rắn này làm thú cưng mà không biết rằng nó rất nguy hiểm. (Ảnh: Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)

Được biết, rắn hoa cổ đỏ hay còn gọi là rắn học trò vẫn được nhiều người nghĩ là một loài rắn lành, không có độc. Thậm chí không ít gia đình còn cho các bé nuôi chơi, nhưng thực chất đây là một loài rắn độc. Điều đặc biệt ở chỗ, không phải ai bị rắn hoa cổ đỏ cắn cũng nhiễm độc. Bác sĩ Phương cho biết, chỉ có khoảng 3/10 người bị loài rắn này cắn nhiễm độc, còn những người khác không có triệu chứng gì.

Qua sự việc đáng tiếc này, bác sĩ Phương khuyến cáo các gia đình và tất cả mọi người không nên nuôi rắn hoa cổ đỏ như một loài thú cưng. Bên cạnh đó, việc dùng mật rắn hay ngâm đồ uống cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi nọc độc của nó không bị biến đổi sau quá trình chế biến.

ĐỨC DƯƠNG/yan.thethaovanhoa.vn

Link bài viết gốc: https://yan.thethaovanhoa.vn/canh-bao-nguy-hiem-tu-vu-be-15-thang-qua-doi-vi-ran-hoc-tro-262373.html?utm_campaign=copyright&utm_medium=referral&utm_source=yannews

SỨC KHỎE