Khi nào bị cấm dùng Chứng minh nhân dân?

Chứng minh nhân dân (CMND) vốn là loại giấy tờ tùy thân quan trọng của mỗi công dân và đang dần bị thay thế bởi Căn cước công dân gắn chip. Trong một số trường hợp dưới đây, CMND bị cấm sử dụng.

1. Khi một người dùng hai hoặc nhiều CMND
Điều này được quy định rất rõ tại Thông tư 04/1999/TT-BCA (C13) hướng dẫn Nghị định 05/1999/NĐ-CP về chứng minh nhân dân.

Cụ thể, Thông tư này cấm một người sử dụng hai hoặc nhiều CMND. Trường hợp mất CMND đã được cấp lại CMND khác, nếu tìm thấy CMND đã mất thì phải nộp lại cho cơ quan công an nơi làm thủ tục cấp lại.

2. Khi thôi/bị tước quốc tịch Việt Nam
Điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định CMND sẽ bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước hoặc thôi quốc tịch Việt Nam. CMND là giấy tờ tùy thân dành cho công dân Việt Nan, do đó, khi từ bỏ quốc tịch, người đó sẽ không còn được giữ và sử dụng CMND nữa.


Khi nào Chứng minh nhân dân bị cấm sử dụng? (Ảnh minh họa)

3. Khi ra nước ngoài định cư

Dù chưa thôi quốc tịch Việt Nam, nhưng nếu ra nước ngoài định cư, công dân cũng bị cấm sử dụng CMND. Trong trường hợp này, CMND cũng sẽ bị thu hồi (theo điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 05).

Người có thẩm quyền thu hồi CMND trong trường hợp (2) và (3) nêu trên là công an cấp huyện nơi cấp CMND.

4. Khi dùng CMND của người khác
Theo điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, việc chiếm đoạt, sử dụng CMND của người khác sẽ bị phạt từ 01 – 02 triệu đồng.

5. Từ năm 2036 trở đi
Theo Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 170/2007/NĐ-CP, CMND có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp (dù là CMND 9 số hay 12 số).

Trong khi đó, từ ngày 01/01/2021, Bộ Công an đã triển khai cấp Căn cước công dân gắn chip thay cho CMND. Nghĩa là, những người được cấp CMND từ cuối năm 2020 được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2035. Từ năm 2036, CMND chính thức bị “khai tử” và việc sử dụng CMND sau thời điểm bị cấm.

6. Trường hợp khác
Điều 5 của Nghị định 05/1999/NĐ-CP chỉ rõ, những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi CMND:

– CMND hết thời hạn sử dụng;

– CMND hư hỏng không sử dụng được;

– Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;

– Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

– Thay đổi đặc điểm nhận dạng.

Việc sử dụng CMND trong các trường hợp là không hợp lý và cần làm thủ tục đổi sang Căn cước công dân gắn chip.

Tác giả: Lan Vũ, Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng//luatvietnam.vn

Link báo gốc: https://luatvietnam.vn/hanh-chinh/khi-nao-bi-cam-dung-chung-minh-nhan-dan-570-35616-article.html

ĐỜI SỐNG PHÁP LUẬT XÃ HỘI